SVD đã hoàn tất bán 12,9 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 258 tỷ đồng

CTCP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (SVD) vừa hoàn tất chào bán 12,9 triệu cổ phiếu ra công chúng. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tương ứng giá tị thu về là 129 tỷ đồng.

Tương ứng, vốn điều lệ Công ty sẽ tăng từ mức 129 tỷ đồng lên 258 tỷ đồng. Khoản tiền này công ty dự chi trả nợ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank (72 tỷ đồng), đầu tư mua sắm máy móc (14,5 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (42,5 tỷ đồng).

SVD chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ bông bao gồm sợi từ bông, khăn bông. Đơn vị có 1 nhà máy sợi tại cụm công nghiệp Đông Phong, xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, năng lực sản xuất 7.721 tấn sợi/năm.

Sản phẩm của đơn vị được phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, trong đó tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Năm 2021, SVD ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 32% lên mức 436,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó ghi nhận 11,7 tỷ đồng, tăng 147% và cao gấp hơn 2 lần mục tiêu lợi nhuận năm đã đề ra.

Năm 2021 được xem là một năm thắng lợi của ngành sợi Việt Nam khi có sự tăng trưởng đột biến cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Mức chênh lệch giữa giá bông và giá sợi lên tới 1,1 – 1,25 USD/kg, các doanh nghiệp sợi đều có lãi và lãi cao.

Hiện nay, tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ bông Tân Cương của Mỹ tác động mạnh đến chuỗi cung cầu sợi, khiến nhu cầu sợi tăng cao. Tân Cương là vùng bông lớn nhất của Trung Quốc, nên các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc phải tăng tốc nhập khẩu sợi.

Cùng với đó, các gói kích cầu phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 của các nước và việc tiêm chủng vắc xin rộng rãi cũng khiến kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, cầu dệt may khởi sắc trở lại sau chuỗi đứt đoạn của năm 2020.

Năm 2022, doanh nghiệp xơ sợi có thêm thuận lợi khi từ tháng 10/2021, Bộ Công Thương áp mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với sợi nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Chính sách này sẽ thúc đẩy tiêu thụ sợi trong nước.

Theo Trí Thức Trẻ

Đối tác tiêu biểu