Cần sớm có Nghị định khoanh nợ “cứu” doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, nên sớm ban hành Nghị định về khoanh nợ cho doanh nghiệp, thay vì giãn, hoãn, cơ cấu nợ,… nhằm tránh tích tụ nợ xấu gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo rất sát sao trong triển khai chính sách cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong nhiều cuộc thảo luận về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, bên cạnh câu chuyện đề xuất NHNN bơm tiền qua thị trường mở để vừa hạ lãi suất thị trường, vừa tăng khả năng cho vay của ngân hàng, còn có kiến nghị rằng: Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp có nợ ngân hàng đã được cơ cấu rồi, nhưng muốn tăng thêm vốn sẽ phải có tài sản bảo đảm, trong khi thế chấp của doanh nghiệp đã cạn kiệt; Vậy phải chấp nhận câu chuyện cứu doanh nghiệp bằng cho vay tín chấp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đánh giá, thực tế, ngành ngân hàng đã vào cuộc sát sao, giúp doanh nghiệp tồn tại và hoạt động trong suốt thời gian phòng chống dịch, điển hình là các Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 được ban hành nhằm cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành chính sách cho vay tái cấp vốn với các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động ngừng việc và cho vay tái cấp vốn đối với ngành Hàng không.

Trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng trên tổng thể, cần phải xem xét lại đầy đủ các vấn đề, bao gồm:

Thứ nhất, gói 16.000 tỷ đồng trước đó cho vay để trả lương cho người lao động ngừng việc, nhưng chỉ thực hiện được 4 tỷ đồng, còn với lần thứ 2 triển khai gói 7.500 tỷ đồng mới thực hiện được hơn 400 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, chính sách của chúng ta đưa ra là sẵn sàng, nhưng đi vào cuộc sống thế nào thì cần phải xem xét.

Thứ hai, việc cơ cấu nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, giảm phí,… đã thực hiện, nhưng khi rà soát lại mới thấy, không có quốc gia nào trên thế giới sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn COVID, vì chính sách tài khóa của Việt Nam đã có, thông qua các chính sách miễn, giảm thuế trong bối cảnh doanh thu giảm.

Cho nên thực chất, chính sách tài khóa là rất quan trọng. Các ngân hàng còn dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp được không, thì phải đặt vấn đề là NHNN đang điều hành chính sách một cách linh hoạt và thận trọng, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô kiềm chế lạm phát. Nếu bơm tiền thông qua các tổ chức tín dụng để cho vay tái cấp vốn, NHNN phải hết sức hạn chế, về phía các tổ chức tín dụng phải xem xét lại khi đặt vấn đề cho vay, cơ cấu nợ,… với điều kiện ngân hàng hiện nay không hạ chuẩn cho vay.

Theo tôi, cần phải có cơ chế làm sao để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận được khách hàng trên nền tảng nợ xấu, mà không được hạ chuẩn cho vay. Trong đó, Nghị định 55 và Nghị định 116 cần được sửa đổi, bổ sung là các tổ chức tín dụng được xem xét với những khoản nợ phát sinh trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh.

Còn việc ngân hàng cho vay tái cấp vốn là không hiệu quả. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang thừa vốn, thanh khoản dồi dào nhưng hạn mức tín dụng hạn chế, vì cần phải kiểm soát lạm phát”, ông Hùng đề xuất.

Cũng theo vị đại diện Hiệp hội Ngân hàng, câu chuyện về quỹ bảo lãnh chúng ta đặt ra về mặt lý thuyết, nhưng liệu có hiệu quả hay không, vì sao Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số địa phương cũng có quỹ này, nhưng thời gian vừa qua hoạt động rất kém hiệu quả, thậm chí dùng tiền đó để gửi ngân hàng, hoặc ủy quyền cho ngân hàng đầu tư, gần như không thể hiện được vai trò của mình.

Đến nay, tiếp tục đề nghị thành lập một quỹ bảo lãnh cấp quốc gia, vậy trong bối cảnh doanh nghiệp cần vốn ngay để đáp ứng nhu cầu sản xuất, thì doanh nghiệp phải đi gặp các quỹ bảo lãnh, từng khâu từng cấp làm thủ tục, liệu khoảng thời gian nào doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn được? Cho nên, chính sách là vấn đề quan trọng nhất, cơ chế phải làm sao để tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay, nếu tổ chức tín dụng thiếu vốn thì NHNN sẽ cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ nên có nghị định khoanh nợ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm đó, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nên sớm có Nghị định của Chính phủ mà đã từng có tiền lệ như Nghị định số 55 về phát triển nông nghiệp nông thôn, đó là câu chuyện “khoanh nợ” lại. Vì đến nay, nền kinh tế đã có sự tích tụ nợ xấu trong nhiều năm, nếu bây giờ cứ tiếp tục làm bài toán giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và bồi tiếp lên, thì sẽ vẫn tiềm ẩn các nguy cơ gây nguy hiểm và cần có bài toán giải quyết một cách căn cơ.

Đồng thời, Nghị định về khoanh nợ là hợp lý, nhưng lại bao hàm hai vấn đề đó là: Thứ nhất, đến nay chúng ta chưa công bố tình hình đại dịch, mặc dù dịch bệnh xảy nghiêm trọng tại khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương,… Trong khi đây là căn cứ để tuân thủ chính sách có khoanh nợ hay không khoanh nợ. Thứ hai, cần bàn về chính sách mới như thế nào khi tiền trong ngân hàng đang dồi dào thanh khoản”, ông Hoè nêu.

Theo Diễm Ngọc (Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam)

Đối tác tiêu biểu